Ở Phần 1 của bài viết, các khái niệm cơ bản nhất về sự sợ hãi cũng như nguồn cơn của nó đã được đề cập một cách rất căn bản. Đó là thứ cảm xúc ai ai cũng gặp trong đời. Và bài viết này sẽ hướng dẫn cụ thể cách đối mặt và kiểm soát nỗi sợ hãi tái phát dành cho người bệnh ung thư.
Một điều chắc chắn rằng, việc sống với những điều bất định, ví dụ như ung thư tái phát, chưa bao giờ là việc dễ dàng. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng, sợ hãi luôn là một phần trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Lo lắng về nguy cơ tái phát sẽ luôn khiến bạn căng thẳng nhất trong năm đầu của bệnh, song về sau điều đó sẽ giảm dần. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn chung sống và đối diện nhẹ nhàng hơn với bệnh tật:
Nhận biết cảm xúc của chính mình: Nhiều người cố che giấu cảm giác sợ hãi, lo lắng. Song, làm vậy chỉ khiến tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn. Hãy chia sẻ tâm trạng bất an của mình với một ai đó thân thiết hoặc đáng tin cậy. Nói ra nỗi lòng có thể giúp bạn nhìn ra nguyên nhân đằng sau nỗi sợ hãi: sợ phải chết, sợ người thân lo lắng, sợ cuộc sống thay đổi (theo hướng tệ hơn)… Hoặc viết những suy nghĩ chân thật của bản thân cũng là một cách tốt để nhận diện cảm xúc.
Nguồn: ecotvpanama.com
Đừng lờ đi nỗi sợ hãi của mình: Việc đè nén cảm xúc bằng cách tự dặn lòng đừng lo lắng, hoặc chỉ trích bản thân khi thấy lo âu, bất an… sẽ không khiến cho những cảm giác đó mất đi. Thay vào đó, hãy chấp nhận rằng sẽ có lúc mình thấy sợ hãi rồi tập trung tìm cách để giải quyết sự lo lắng đó. Đừng quên, cảm xúc này có thể tạm thời tăng lên vào những thời điểm cụ thể như: Trước giờ hẹn khám với bác sĩ, ngày mà bạn được chẩn đoán mắc ung thư… Đôi khi, thực tế sẽ không trầm trọng như những gì đang diễn ra trong đầu bạn đâu. Trao đổi thường xuyên với nhóm chăm sóc sức khỏe có thể sẽ giúp bạn nhận biết xem liệu lo lắng của mình có thành sự thật hay không.
Đừng “gồng gánh” mối lo một mình: Một số người sống sót sau ung thư nhận thấy việc tham gia vào một nhóm hỗ trợ là điều vô cùng cần thiết. Các nhóm hỗ trợ trao cho người tham gia không gian và cơ hội mở lòng, nhận được thấu hiểu, cảm thông từ những mảnh đời giống mình. Bạn cũng có thể trao đổi thông tin thực tế và đưa ra các đề xuất hữu ích. Trải nghiệm với nhóm thường tạo cảm giác thân thuộc, giúp những người sống sót cảm thấy ít cô đơn và được thấu hiểu hơn.
Nguồn: unitedway.org
Giảm căng thẳng: Tìm cách kiểm soát căng thẳng sẽ giúp giảm mức độ lo lắng trong bạn. Hãy thử các cách khác nhau để xem cách nào phù hợp nhất với bản thân. Đó có thể là:
- Dành thời gian bên gia đình và bạn bè;
- Làm những việc bạn thích (ví dụ: trồng cây, cắm hoa, nuôi cá…);
- Thiền định;
- Tập thể dục thường xuyên, vừa sức;
- Đọc một cuốn sách vui nhộn hoặc xem một bộ phim hài hước;
Hãy hỏi bác sĩ tất cả những điều bạn muốn biết về khả năng có thể xảy ra trong tương lai: Hầu hết các bệnh ung thư có kiểu tái phát giống nhau, nhưng không ai có thể biết chính xác điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Bác sĩ có thể cho bạn biết về khả năng ung thư quay trở lại hoặc những triệu chứng cần chú ý. Lường trước những chuyện sẽ xảy ra có thể giúp bạn ngừng lo lắng rằng cơn đau có phải là dấu hiệu tái phát ung thư hay không. Nếu có các triệu chứng tồn tại dai dẳng hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, hãy nói ngay với nhóm chăm sóc sức khỏe của mình.
Thảo luận với nhóm chăm sóc sức khỏe về kế hoạch chăm sóc và điều trị: Một trong những mục tiêu của việc chăm sóc và điều trị là phát hiện sự tái phát của ung thư sau này. Kế hoạch chăm sóc sau điều trị của bạn có thể gồm cả khám sức khỏe định kỳ để theo dõi quá trình hồi phục. Đừng quên lịch tái khám định kỳ mà bác sĩ yêu cầu.
Làm những việc có lợi cho sức khoẻ: Những thói quen lành mạnh như ăn các bữa ăn bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc giúp bạn cảm thấy tốt hơn cả về thể chất và tinh thần. Tránh các hoạt động không lành mạnh (hút thuốc, uống rượu quá mức…) để giúp người bệnh có thể kiểm soát được tình hình sức khỏe của mình tốt hơn.
Tránh xa thuốc lá là một trong những việc vô cùng tốt cho sức khỏe của người bệnh ung thư.
Nguồn: health.clevelandclinic.org
Các dấu hiệu nhận biết khi nào bạn cần được giúp đỡ:
- Cảm giác bất an, lo lắng cản trở các mối quan hệ và sinh hoạt hàng ngày, hoặc ngăn bạn đến các cuộc hẹn khám với bác sĩ;
- Cảm thấy tương lai bất định, chẳng còn gì để mong đợi, tuyệt vọng;
- Khó ngủ hoặc ăn không ngon;
- Không muốn tham gia các hoạt động từng yêu thích;
- Gặp khó khăn khi tập trung hoặc đưa ra các quyết định;
- Hay quên một cách bất thường.
Người dịch: Bs. Nguyễn Huy Tân (BV Đa khoa tỉnh Điện Biên, HV Cao học Nội 29, ĐH Y Hà Nội).
Hiệu đính và Duyệt bài: Ban chuyên môn DecaCare.
Tham khảo: Bài viết “Coping With Fear of Recurrence” của cancer.net (Link: Coping With Fear of Recurrence)