Ung thư tuyến tiền liệt là ung thư xảy ra tại tuyến tiền liệt ở đàn ông. Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ có hình dạng giống như quả óc chó, chuyên sản xuất ra tinh dịch để nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư phổ biến nhất của bệnh ung thư ở nam giới. Ung thư tuyến tiền liệt thường phát triển chậm và trong giai đoạn đầu khu trú trong tuyến tiền liệt nên thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trong khi một số loại ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm và chỉ yêu cầu điều trị đơn giản hoặc thậm chí không cần điều trị, một số khác lại có tính xâm lấn cao và có thể lây lan nhanh chóng.
Ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện sớm (khi vẫn còn khu trú trong tuyến tiền liệt) thường có khả năng được điều trị thành công cao hơn.
Triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt có thể không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn muộn hơn, ung thư tuyến tiền liệt có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:
- Khó đi tiểu;
- Suy yếu dòng chảy nước tiểu;
- Có máu trong nước tiểu;
- Có máu trong tinh dịch;
- Đau ở lưng, hông hoặc đùi;
- Khó chịu ở vùng chậu;
- Đau xương;
- Rối loạn chức năng cương dương;
Khi nào nên đi khám bác sĩ
Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào làm bạn lo lắng.
Hiện nay vẫn còn nhiều tranh luận về những rủi ro và lợi ích của việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, và các tổ chức y tế đang đưa ra các khuyến cáo khác nhau. Hãy thảo luận về việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt với bác sĩ của bạn để quyết định những gì tốt nhất cho bạn.
Nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt
Người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt. Các bác sĩ biết rằng ung thư tuyến tiền liệt nảy sinh khi một số tế bào trong tuyến tiền liệt trở nên bất thường. Đột biến trong DNA của tế bào bất thường làm các tế bào phát triển và phân chia nhanh hơn. Các tế bào bất thường tiếp tục sống trong khi các tế bào bình thường chết đi theo thời gian. Qua quá trình này, các tế bào bất thường tập hợp lại tạo thành một khối u tiếp tục phát triển và xâm lấn các khu vực và mô lân cận. Một số tế bào bất thường có thể lan ra (di căn) và tiếp tục phát triển ở các bộ phận khác của cơ thể.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư tuyến tiền liệt
Yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:
- Lớn tuổi. Nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt tăng theo tuổi tác. Ung thư tuyến tiền liệt là phổ biến nhất ở nam giới trên 65 tuổi.
- Da đen. Đàn ông da đen có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt cao hơn đàn ông thuộc chủng tộc khác. Trong đàn ông da đen, ung thư tuyến tiền liệt cũng có khả năng xâm lấn và di căn cao hơn mà không rõ nguyên nhân.
- Có người trong gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư vú. Nếu trong gia đình bạn có người bị ung thư tuyến tiền liệt, nguy cơ của bạn có thể cao hơn những người khác. Ngoài ra, nếu bạn có người thân mang các đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 hoặc bị ung thư vú, nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt sẽ có thể cao hơn.
- Béo phì. Đàn ông béo phì mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường có nhiều khả năng bị bệnh nặng và khó điều trị hơn.
Biến chứng của ung thư tuyến tiền liệt
Các biến chứng của bệnh ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:
- Ung thư di căn. Ung thư tuyến tiền liệt có thể lan rộng (di căn) đến các cơ quan lân cận như bàng quang, hoặc thông qua dòng máu hoặc hệ thống bạch huyết đến xương hoặc các cơ quan khác. Ung thư tuyến tiền liệt lan vào xương có thể gây đau và gãy xương. Khi ung thư tuyến tiền liệt đã di căn đến các khu vực khác của cơ thể, nó vẫn có thể đáp ứng với điều trị và được kiểm soát, nhưng nó không thể được chữa khỏi nữa.
- Đi tiểu không tự chủ. Ung thư tuyến tiền liệt và việc điều trị bệnh này đều có thể gây ra chứng đi tiểu không tự chủ. Việc điều trị hiện tượng này phụ thuộc vào loại bệnh, mức độ nghiêm trọng và khả năng tiến triển của bệnh thời gian. Lựa chọn điều trị có thể bao gồm uống thuốc, đặt ống thông và phẫu thuật.
- Rối loạn cương dương. Rối loạn chức năng cương dương có thể là hậu quả của ung thư tuyến tiền liệt hoặc quá trình điều trị bệnh này. Hiện tượng này được ghi nhận ở tất cả các phương pháp điều trị phẫu thuật, xạ trị hoặc sử dụng nội tiết tố (hormone). Các phương pháp điều trị bao gồm thuốc uống, thiết bị chân không hoặc phẫu thuật.
Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt
Việc tiến hành xét nghiệm ở những người đàn ông khỏe mạnh, không có triệu chứng để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt vẫn còn gây tranh cãi. Các tổ chức y tế không thống nhất về vấn đề này cũng như tính hiệu quả của nó. Một số tổ chức y tế đề nghị xem xét việc tầm soát ung thư tuyến tiền liệt ở tuổi 50, hoặc sớm hơn ở những người có yếu tố nguy cơ cao trong khi các tổ chức khác lại đưa ra lý do để phản đối.
Hãy thảo luận với bác sĩ về tình hình cụ thể của bạn và những lợi ích và rủi ro của việc xét nghiệm tầm soát. Bạn sẽ tìm ra câu trả lời thích hợp cho mình.
Xét nghiệm tầm soát tuyến tiền liệt có thể bao gồm:
- Thăm khám trực tràng (Digital rectal exam, DRE). Trong kiểm tra này, bác sĩ sẽ chèn một ngón tay đã đeo găng và được bôi trơn vào trực tràng của bạn để kiểm tra tuyến tiền liệt vì nó tiếp giáp với trực tràng. Nếu bác sĩ tìm thấy bất thường trong cấu trúc, hình dạng, độ cứng hoặc kích thước của tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm xét nghiệm.
- Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen, PSA). Trong xét nghiệm này, một mẫu máu của bạn (thường lấy từ tĩnh mạch ở cánh tay) sẽ được mang đi phân tích để đo nồng độ kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (PSA), vốn là chất được sản xuất bởi tuyến tiền liệt. Việc có một lượng nhỏ PSA trong máu là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu nồng độ PSA cao hơn mức tiêu chuẩn, đó có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
Xét nghiệm PSA kết hợp với DRE giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm nhất, nhưng các nghiên cứu đã không chứng minh được rằng những xét nghiệm này thay đổi tỉ lệ tử vong. Vì lý do này, hiện vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh vấn đề tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.
Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt
Nếu xét nghiệm DRE hoặc PSA phát hiện ra bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm xét nghiệm một số xét nghiệm chẩn đoán kế tiếp như:
- Siêu âm. Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm qua trực tràng để đánh giá tuyến tiền liệt kỹ lưỡng hơn. Một đầu dò nhỏ có kích thước và hình dạng như một điếu xì gà sẽ được đưa vào trực tràng. Đầu dò sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tuyến tiền liệt trên màn hình.
- Sinh thiết tuyến tiền liệt. Nếu kết quả xét nghiệm ban đầu gây nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ có thể đề nghị làm sinh thiết tuyến tiền liệt để thu thập mẫu mô và tế bào từ tuyến tiền liệt. Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim nhỏ chích vào tuyến tiền liệt của bạn. Các mẫu mô lây được sẽ được phân tích trong phòng thí nghiệm để tìm ra sự hiện diện của tế bào ung thư.
Xác định xem ung thư có ác tính không?
Khi kết quả sinh thiết xác nhận sự hiện diện của ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành bước tiếp theo là phân định mức độ ác tính (grading) của khối ung thư. Các mẫu mô thu thập sẽ được nghiên cứu và các tế bào ung thư sẽ được so sánh với các tế bào bình thường. Tế bào khối u càng khác biệt so với tế bào thường thì độ ác tính càng cao và khối ung thư càng có khả năng xâm lấn và lây lan nhanh chóng.
Thang điểm phổ biến nhất được sử dụng để đánh giá mức độ ác tính của tế bào ung thư tuyến tiền liệt là thang điểm Gleason. Dựa vào cấu trúc vi thể (hình dạng dưới kính hiển vi) bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ đánh giá mức độ ác tính từ 2 điểm (không ác tính) đến 10 điểm (rất ác tính).
(Nguồn tham khao: Yhoccongdong.com)