Ung thư tuyến giáp đã trở thành căn bệnh thường gặp hiện nay, nhưng là loại ung thư có tiên lượng khá tốt nếu bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Trên lâm sàng, bệnh thường khó phát hiện bởi không có hoặc rất ít triệu chứng. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phát hiện sớm, điều trị khỏi thông qua khám tầm soát định kỳ. Ung thư tuyến giáp thường được chẩn đoán ở nam giới và phụ nữ từ 45 đến 54 tuổi. Đây là bệnh ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất ở phụ nữ từ 20 đến 34 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn nam giới khoảng ba lần.
Thực hiện tầm soát ung thư tuyến giáp có thể thực hiện:
Thực hiện các xét nghiệm hormone tuyến giáp như TSH, FT3, FT4,..: thông qua quá trình này sẽ đánh giá được chức năng tuyến giáp đồng thời giúp phát hiện các bệnh lý về tuyến giáp như: cường giáp, suy giảm tuyến giáp, ung thư - u tuyến giáp,…
Thực hiện siêu âm tuyến giáp: nhằm phát hiện các nhân giáp, đánh giá cấu trúc của tuyến giáp, xác nhận kích thước bướu tuyến giáp, cung cấp các thông tin chi tiết liên quan đến đặc điểm của khối u. Các bác sĩ sẽ sử dung thang phân loại TIRADS để xếp các yếu tố nguy cơ và chỉ định can thiệp chẩn đoán tiếp theo.
Phương pháp xạ hình tuyến giáp: quá trình xét nghiệm này được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân uống một lượng dung dịch chứa iốt phóng xạ vừa đủ. Loại chất này đi vào cơ thể sẽ tập trung về tuyến giáp và giúp hiện ra các hình ảnh của tuyến này.
Phương pháp sinh thiết bằng kim: khi có tổn thương nghi ngờ bác sĩ sẽ lấy một số mẫu mô ở nhân giáp để đánh giá tế bào. Khi ta sinh thiết dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chúng ta cần xác định chính xác nhân giáp (hoặc có thể là một số nốt rất nhỏ không thể sờ thấy). Sinh thiết tuyến giáp được coi là bước cuối cùng giúp bạn khẳng định rằng bản thân có bị ung thư hay không?