Tâm linh từ góc nhìn tâm lý học và khoa học thần kinh

20/07/2021

Tâm linh - một thứ tràn đầy tính bí ẩn, khó lí giải và vẫn hay bị gán nhãn "mê tín", "phản khoa học" trước kia - gần đây đã được các nhà khoa học phương Tây nghiên cứu và giải thích dưới góc độ tâm lý học và thần kinh học. 


Tâm linh đang có sự trở lại thú vị trong những năm gần đây, hoặc có lẽ dần đi vào nền khoa học chính thống, với sự xuất hiện của một thế hệ mới gồm các vị thầy trẻ tuổi và “những người đam mê tìm hiểu tâm linh” (spirit junkies), đưa tâm linh trở thành chủ đề của thời đại. Nhiều bài học được rút ra từ truyền thống tôn giáo, triết lý yoga và thiền định, cũng như ý tưởng về một ý thức rộng lớn hơn, vĩ đại và phổ quát hơn bao trùm trên tất cả. Tư tưởng trung tâm của một số truyền thống trong suốt nhiều thiên niên kỷ là ý tưởng “buông”, không kiểm soát, phó thác và trao gửi ý niệm của mình cho một quyền năng, sức mạnh huyền bí nào đó, bất kể điều đó có thể là gì. Nói cách khác, người ta thường sử dụng cụm từ “in the flow”, có thể dịch là "ở trong dòng chảy", hay nương theo dòng chảy”

Điều thú vị ở khái niệm là nó không thực sự nói về chủ đề tâm linh một cách chính diện, cụ thể, mà thay vào đó, nhiều người nói rằng, ở những thời điểm với những điều kiện thích hợp, họ có cảm giác giống như mình đang ở trong dòng chảy, như thể có một cái gì đó lớn hơn xâm chiếm và dẫn dắt, và họ chỉ đơn giản là để nó xảy ra. Những nhà văn, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà thiết kế, vận động viên và nhiều người khác cho biết họ đã trải qua trạng thái dòng chảy này, hoặc ở trong một trạng thái “đỉnh cao” mà khả năng của họ được bộc lộ hết mức có thể.

 

Nguồn: Unsplash

 

Vậy điều gì thực sự xảy ra khi chúng ta thấy mình đang ở trong dòng chảy? Chúng ta cần hiểu điều này từ góc độ tâm linh chăng? Liệu chúng ta có thể giải thích nó từ góc độ hành vi và thần kinh học không? Để tìm câu trả lời, tôi đã tham khảo một nhà tâm lý học và một nhà thần kinh học, cả hai đều có chuyên môn không chỉ trong lĩnh vực riêng của họ mà còn có kiến thức sâu rộng về các triết lý tôn giáo và những thực hành khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại.

Từ góc độ tâm lý học 

Ben Michaelis, Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của cuốn sách Your Next Big Thing (tạm dịch là Dấu ấn tiếp theo của bạn), đưa ra một vài luận điểm về những gì có thể xảy ra khi chúng ta buông bỏ việc kiểm soát mọi chuyện mà hòa vào dòng chảy. 

Xu hướng tìm kiếm quy luật, hình mẫu khi căng thẳng

Đầu tiên, bạn hãy thử nhìn vào phía đối lập — trạng thái khi chúng ta căng thẳng, gồng cố có thể được coi là đối cực của trạng thái “dòng chảy”. TS. Michaelis chỉ ra rằng khi bị căng thẳng, tư duy của chúng ta bắt đầu bị ảnh hưởng và suy nghĩ có thể bị bóp méo. Chúng ta có xu hướng tìm kiếm những khuôn mẫu không có thật và đưa ra những kết luận vốn dĩ không tồn tại.

Ông nói: “Rất nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu xem điều gì xảy ra khi bạn căng thẳng. Nghiên cứu mà tôi rất thích là về những người lính nhảy dù Israel được xem những bức ảnh bị cố tình làm mờ. Ở tấm ảnh đầu tiên, dù bị làm mờ nhưng bạn vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng hình ảnh của Sao Thổ. Ở tấm hình tiếp theo, chỉ thấy một lớp phủ mờ rất dầy mà không có gì rõ ràng. Nếu bạn cho những người lính nhảy dù xem cả hai tấm ảnh này, họ sẽ nhìn thấy Sao Thổ ở một ảnh, và hầu hết sẽ nói, 'Tôi chẳng nhìn thấy gì cả' trong tấm ảnh kia. Nhưng nếu họ thực hiện bài kiểm tra này ngay trước khi nhảy dù, khả năng cao là họ sẽ nói rằng đang nhìn thấy thứ gì đó ở tấm hình vốn dĩ chẳng có gì. "

Điều này rất giống với những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta khi bị căng thẳng và cố gắng kiểm soát mọi thứ một cách khiên cưỡng. Michaelis cho biết: “Chúng ta rốt cuộc đi tìm kiếm những hình mẫu, những quy luật không tồn tại, đó là dấu hiệu cho thấy căng thẳng xuất hiện. Con người là sinh vật thích tìm kiếm các khuôn mẫu và quy luật. Điều đó không có gì là sai. Nhưng chúng ta cần xác định cho mình một tâm thế rằng, "có thể có hoặc không một khuôn mẫu hay quy luật tồn tại ở đây, nhưng dù thế nào, tôi cũng sẽ tiếp tục sống mà không sợ hãi, không lo lắng." Điều trước tiên bạn cần làm, chính là không tự làm khó mình, hay làm cho tình hình tồi tệ hơn bằng cách lo lắng đến mức rối trí."

 

Nguồn: Unsplash

 

Bản năng của con người là nương tựa vào nơi vững chãi

Bên cạnh đó, TS. Michaelis cũng đưa ra một luận điểm khác, rằng chúng ta là giống loài khi mới ra đời rất yếu ớt, không thể tự làm được gì, và phải dựa vào người khác để có thể tồn tại. Đó là hành vi hoàn toàn bản năng, và quả thực chúng ta cũng cảm thấy dễ chịu khi được nương tựa. Đây có thể là một phần lý do tại sao việc quy phục, phó mặc, hay nương tựa vào bất cứ thứ gì bên ngoài bản thân - như bố mẹ, người chăm sóc, hay một ai đó có quyền năng lớn hơn, v.v. lại mang đến cảm giác an toàn. Michaelis nói: “Con người là giống loài sinh non, nghĩa là sinh con ra khi cơ thể đứa trẻ chưa phát triển đầy đủ và cần sự chăm sóc, che chở trong một khoảng thời gian dài tuổi thơ. Lúc mới sinh ra, chúng ta chưa thể làm gì cả. Chúng ta trao toàn bộ quyền kiểm soát cho người khác, từ nguồn thức ăn, nước uống, nhiệt độ… đều phụ thuộc vào người chăm sóc của chúng ta, nếu không có người chăm sóc, chúng ta sẽ chết. Vì vậy, trên thực tế, chúng ta được thiết kế để từ bỏ quyền kiểm soát, để tin tưởng những người có nhiều kiến ​​thức hơn mình.” Vì vậy, có một mong muốn nội tại về việc từ bỏ quyền kiểm soát, không chỉ là nhu cầu thiết yếu mà thực sự, đó là một việc thoải mái và giúp ta giải tỏa căng thẳng.

Trạng thái xuôi dòng mang đến cảm giác thư giãn, vui thích

Một điểm nữa thú vị đến kỳ lạ mà TS Michaelis phát hiện ra. Việc buông bỏ mang lại cho chúng ta niềm hân hoan, vui thích giống hệt như khi ta chứng kiến ​​nghệ thuật tuyệt vời được hé lộ. “Nó giống như kịch bản một bộ phim truyền hình. “Có những ngày tươi đẹp khi bạn có thể thư giãn khi xem phim, không cần căng thẳng và thậm chí nếu phim có vài tình tiết không hay lắm cũng ok, vì bạn biết những tập sau đó sẽ tốt hơn. Giống như việc bạn có thể nói "Ok, dù thế nào tôi cũng có thể thư giãn". " Đó là cảm giác an toàn kỳ lạ khi được thả lỏng và phó thác cho đôi bàn tay của những người viết kịch bản phim. 

Từ góc độ khoa học thần kinh: ga và phanh 

Về góc nhìn tâm lý học, có vẻ như thái độ “xuôi dòng” thực sự mang lại giá trị nào đó. Nhưng một nhà thần kinh học liệu sẽ nói gì? Tiến sĩ, Bác sĩ Judson Brewer - người đã có những nghiên cứu nổi bật về ảnh hưởng thiền định đến não bộ, đưa ra một phép so sánh thú vị về lối sống thông thường của chúng ta: “Sống cũng giống như việc lái xe với một chân phanh và một chân ga (hoặc tay ga). Ở đây, ga là trạng thái hoạt động tự nhiên, hiệu quả của não bộ, và phanh là quá trình đánh giá, nhìn nhận. Dù chiếc phanh là cần thiết trong những tình huống khẩn cấp hay để xe không chạy quá nhanh, nhưng khi bạn không dậm chân phanh, chiếc xe sẽ đi “bon” hơn, đều hơn và não sẽ hoạt động dễ dàng hơn. Bộ não khi đó như được tự do chạy trên con đường rộng thênh thang mà không bị những nỗi lo sợ hay suy nghĩ luẩn quẩn làm cản trở. Và đó là lúc chúng ta hòa vào dòng chảy.

Một trạng thái tự nhiên mà không cần cố gắng

 

Nguồn: Unsplash

 

Trong các nghiên cứu và chia sẻ của Brewer về cách sống này (xem bài nói chuyện TEDx của Brewer tại đây), ông chỉ ra rằng thiền định quả thực làm giảm hoạt động ở vùng não tương đương với chiếc “phanh” — mạng chế độ mặc định (default mode network - DMN), nhờ thế chúng ta có thể chuyển sang trạng thái dòng chảy rất nhanh. Và để không tự cản trở đường đi của chính mình, để thoát khỏi những trạng thái khó chịu hơn, như trầm cảm, bạn phải thử tận dụng các phương pháp khác biệt hơn so với cách suy nghĩ thông thường của mình. Hãy tự hỏi xem điều gì đã đưa chúng ta vào mớ bòng bong này? Và nếu cứ tiếp tục như vậy thì làm sao chúng ta có thể thoát ra được? Theo Brewer, “Điều khó nhất nằm ở chỗ: Bạn mới chính là vấn đề. Chính cách suy nghĩ của bạn, quan điểm và ý thức hạn chế của bạn góp phần tạo ra khó khăn và bạn không thể giải quyết vấn đề bằng cách giữ nguyên những suy nghĩ và quan điểm đã tạo ra nó. Ngay cả khi bạn tự nhủ với chính mình, "Tôi sẽ hòa mình vào làm một với vũ trụ", thì cũng chưa chắc nó sẽ khả thi. Nó giống như nhiều người cố nói với bạn rằng bạn phải thư giãn đi nhưng bạn chẳng thể nào thư giãn được. Thư giãn hay buông bỏ là việc không cần cố gắng. Khi chúng ta cố gắng để buông bỏ, là chúng ta đang gồng cố, và như vậy chúng ta đang không buông bỏ được rồi. Chúng ta thường sẽ tự nhiên buông bỏ, chỉ khi chúng ta nhận ra rằng những gì ta nghĩ, ta làm đang gây ra đau khổ cho chính ta như thế nào.”

Brewer thừa nhận, có một thứ mà ông gọi là “sự thúc đẩy của vũ trụ”, đó là ý niệm về việc giao phó, phó thác cho một điều gì đó lớn hơn và hoàn toàn có ý thức về việc đó - nó khác với việc không biết, không ý thức được rằng mình đang bị “dẫn dắt đi”. “Mọi truyền thống tôn giáo mà tôi từng thấy đều có những điều tương tự như thế, chỉ là dùng những từ ngữ khác nhau. Đó là sự buông bỏ cái tôi nhỏ bé để cho ân sủng của thượng đế có thể chảy qua chúng ta theo hệ thống triết học ‘Advaita vedanta’ [trong bộ kinh Upanishad của tôn giáo cổ Ấn Độ]; hay trong Công giáo thì nói, nơi nào trống rỗng nơi ấy Chúa có thể chảy vào. Brewer cho rằng: “Sự thúc đẩy của vũ trụ rất hữu ích, khi tôi nhận ra rằng tôi chẳng cần phải làm gì nữa cả. Cố gắng có thể là một phần của công việc, nhưng không phải là tất cả. Có lúc chúng ta thực sự cần sự nghỉ ngơi"

Vậy trạng thái ở trong dòng chảy là bản năng tự nhiên của chúng ta, hay là kết quả của việc hòa hợp với một thứ gì đó lớn hơn?  

Brewer nói: “Liệu có cần một thứ gì đó (như vũ trụ hay Thượng đế) tạo ra một thứ đã là xu hướng tự nhiên của con người không? Nói cách khác, điều gì làm cho nước chảy từ trên xuống dưới (thay vì từ dưới lên)? Bộ não của chúng ta tiến hóa để đạt được hiệu quả lớn hơn. Trạng thái 'dòng chảy' có thể là biểu hiện của việc não bộ đang hoạt động một cách tối ưu nhất."

Vì vậy, tâm linh ở đây có thể được hiểu là một công cụ tâm lý mà chúng ta dùng để đưa mình vào trạng thái tự nhiên, trạng thái tối ưu của não bộ. Có lẽ vật lý lượng tử hoặc các ngành khác sẽ tiết lộ những khám phá mới và hé lộ thêm nhiều điều bí ẩn trong tương lai. Nhưng cho đến lúc đó, nhìn vào những gì đang có ở lĩnh vực tâm lý học và thần kinh học, có thể chúng ta cũng đã biết được điều gì đó. Với nhiều người, vậy là đủ. Đối với một số người khác, vẻ đẹp của tâm linh lại nằm chính ở trong sự bí ẩn mà ta chưa thể nào giải thích được.

Người dịch: Mai Phương
Hiệu đính: Ths. Nguyễn Thu Thủy
Duyệt bài: Ban Chuyên môn DecaCare
Đây là bài dịch tóm tắt từ bài viết The science of spirituality: A psychologist and a neuroscientist explain being in the flow (Link: The Science Of Spirituality: A Psychologist And A Neuroscientist Explain Being 'In The Flow')

 


Bài viết liên quan


Các bài tin khác

Sign up for consulting services

Hello. 👋 Please leave your information. We will contact you as soon as possible.
Đặt lịch khám